Kính chào quý vị và các bạn đến thăm trang nhà www.dangtienrong.org

 

 

   

THANH NIÊN TIÊN RỒNG 

 

Chiến Tranh Tiên RồngHọc Thuyết Tiên Rồng

Thế Động Của HoaCái Dụng Của Hoa SH

 

 

 

 

CÁI DỤNG CỦA HOA SONG HIỆP

 

Tình Báo và Hành Động

 

Nguyễn Minh Sơn

 

Hoa Song Hiệp, Hoa Tiên Rồng, và Hoa Bảo Bình là những mô thức cho việc hình thành một tổ chức, trong thế tĩnh cũng như thế động, cho thời bình cũng như thời loạn.

 

Trong đại cuộc cứu dân cứu nước, chúng ta luôn luôn lấy sự thật, được biểu trưng bằng vòng ngoài cùng của các Hoa, và toàn dân, được biểu trưng bằng vòng kế tiếp, để làm nền tảng. Từ toàn dân mà chúng ta có được sự thật.

 

Hoa Song Hiệp, với hai vòng Tiên và Rồng, là cấu trúc căn bản của một tổ chức. Song, sự đi đôi của tiên rồng, là nền tảng hành động của tổ chức. Hiệp, hai vòng tiên rồng giao nhau tại tâm điểm, tượng trưng cho sự kết hiệp của tình báo và hành động. Tình báo là việc báo cáo trước khi hành động, đang khi hành động, và sau khi hành động. Hành động phải luôn luôn được đặt trên nền tảng của tình báo.

 

 

Trong tình báo, phần tiên của một tổ chức đấu tranh, sự thật luôn luôn từ toàn dân mà hiện hữu. Cho nên, ai được dân thương thì thắng; ai bị dân bỏ thì thua. Trong hành động, phần rồng, tình báo rõ ràng và chính xác tới đâu thì tổ chức thành công đến đó.

 

Tiên đi trước rồng vì sự hiểu biết luôn luôn quan trọng hơn hành động. Cánh tình báo chỉ có một công tác là nghe ngóng và báo cáo, còn phân tích và quyết định là việc của trung ương. Khi chạm trán với giặc, các nguyên tắc hành động của cánh tình báo là sự không nghe, không biết, và không thấy. Đối phương không nghe đến mình, không biết đến mình, và không thấy được mình. Đừng nói động tới quyền, lợi, và danh của họ thì họ sẽ không nghe đến mình. Không có hành động gì khác với một người dân thật bình thường thì họ sẽ không biết đến mình. Không ăn mặc khác thường đối với những người chung quanh thì họ sẽ không thấy được mình.

 

Khoa Học Phân Tích Tình Báo

 

Cuốn sách Kỹ Thuật Phân Tích theo Khuôn Mẫu (Richards J. Heuer and Randolp H. Pherson, Structured Analytic Techniques. Kindle, 2015) giúp cho chúng ta thấy được cách suy nghĩ theo thói quen khác biệt với sự phân tích bằng khoa học ra sao, nhất là trong khoa học phân tích tình báo của Hoa Kỳ hiện nay. Khoa học này khởi đầu vào khoảng năm 1980 và được Cộng Đồng Tình Báo Hoa Kỳ (US Intelligence Community) chính thức áp dụng sau sự thất bại của khối tình báo chiến lược quốc gia của Hoa Kỳ vào năm 2002. Sự phân tích tình báo theo cách suy nghĩ thông thường đã tạo ra những sai lầm lớn, và những sai lầm lớn đó đã tạo ra cuộc Chiến Tranh Iraq năm 2003.

 

Từ xưa đến nay, con người thường phân tích mọi việc, mọi chuyện theo thói quen. Một là vì chúng ta chỉ phân tích sự việc bằng cách đặt trọng tâm vào những sự kiện đang xảy ra trong hiện tại (Situational Logic), cho nên không có thể rút tỉa được những bài học đã có sẵn từ những kinh nghiệm chung. Hai là chúng ta dùng những bài học rút từ lịch sử để nhận định, phân tích và đi đến kết luận cho những sự kiện đang xảy ra trong hiện tại. Cách suy nghĩ này thường dựa trên những sự so sánh không xác thực vì sự khác biệt trong thời gian và không gian, hoàn cảnh xã hội, sự phát triển của khoa học kỹ thuật và sự hiểu biết chung của con người lúc trước và bây giờ. Ba là chúng ta dựa vào những lý thuyết tổng quan để nhận định và kết luận. Những nhận định tổng quát thường loại bỏ những dữ kiện có vẻ không thích hợp với những định kiến sẵn có trong chúng ta. Ba cách nhận diện, phân tích và kết luận này rất thích hợp cho đời sống thường ngày. Đây là sự hoạt động tự nhiên của bộ óc con người, không ai có thể tránh được.

 

Khoa học phân tích tình báo quốc gia của Hoa Kỳ hiện nay được đặt trên những khuôn mẫu mà sự suy nghĩ của người phân tích được ghi ra rõ rệt. Những phương thức này giúp cho các nhà phân tích có thể làm việc chung và cùng lúc tránh được sự va chạm tự ái của mỗi người. Sự suy nghĩ theo cách thông thường luôn luôn được đặt trên những giả định (giả thuyết và định kiến) sẵn có trong mỗi người. Những giả định riêng tư đó dường như không có gì có thể lay chuyển được, vì vậy cho nên nếu chúng ta chỉ dùng cách suy nghĩ thường ngày để suy tính việc nước thì quả thật là chúng ta đang mắc phải một lỗi lầm rất lớn. Khi suy nghĩ theo cách bình thường, chúng ta chỉ đi tìm, chỉ nhìn, chỉ nhận diện, và chỉ tin vào những sự kiện nào giúp cho chúng ta củng cố những định kiến sẵn có kia. Cho nên, Kỹ Thuật Phân Tích theo Khuôn Mẫu (Heuer and Pherson 2015) giúp cho người phân tích và các cộng sự viên nhận diện rõ rệt giá trị của những giả định trong chính mình và trong mọi người.

 

Hai nguyên tắc nền tảng của sự phân tích trong khoa học là (1) lập ra nhiều giả thuyết khác hẵn nhau, và (2) tìm cho ra mọi dữ kiện nào, thực tế hoặc giả định, có thể chứng minh được cái sai của mỗi giả thuyết. Giả thuyết nào mà bạn không thể chứng minh là sai hoặc ít sai nhất là giả thuyết quan trọng nhất mà bạn cần phải tích cực theo dõi và nghiên cứu thêm. Tóm lại, khoa học phân tích giúp cho mỗi người tìm thấy được những cái sai của mình, vì theo thói tự nhiên thì ai ai cũng luôn luôn tự thấy mình là đúng.

 

Suy Xét và Phân Tích

 

Khi suy nghĩ, Bạn nên đặt ít nhất bốn vấn đề:

1. Nếu mình đúng, thì mình đúng ra sao?

2. Nếu mình sai, thì mình sai ra sao?

3. Nếu mình đang bị lừa thì mình đang bị lừa ra sao?

4. Nếu sự việc xảy ra như Bạn đã dự đoán, thì sau đó nữa, những gì sẽ xảy ra?

 

Đặt vấn đề với:

1. Bất cứ người nào

2. Bất cứ đề tài nào

3. Bất cứ giả thuyết nào

4. Bất cứ sự việc gì

5. Bất cứ kết luận nào, kể cả sự tổng kết

6. Cả chính mình, vì mình cũng có thể đang tự lừa dối mình.

 

Tình Báo Cách Mệnh (Revolutionary Intelligence): Bạn phải luôn luôn sẵn sàng thay đổi hoàn toàn cách nhìn của mình theo chứng cứ, chứ không coi thường hoặc vứt bỏ giá trị của bằng chứng (mặc dù có thể là nhỏ nhoi) để ôm giữ cái đúng của mình, vì sự ôm giữ cái đúng của riêng mình luôn luôn là điểm tựa vững chắc nhất để đối phương dựa vào để đồng hành, khuyến khích, dẫn dắt và lừa gạt Bạn.

 

Phân tích mỗi mảnh bằng chứng (bất kể lớn nhỏ, nhiều ít), mỗi giả thuyết một cách riêng biệt. Cách phân tích phải bao gồm các cái nhìn từ mọi khía cạnh, góc độ, và đối tượng. Các giả thuyết phải có khả năng loại trừ nhau (mutually exclusive).

 

Mục đích tối hậu là tìm cho ra những cái sai trong sự suy nghĩ của chính mình. Cái sai thường bắt đầu với những giả định khởi nguồn từ sâu trong tâm hồn của mỗi người, nhất là những niềm tin không dựa trên chứng cớ và sự thực. Mỗi lần có một mảnh tin đến, chúng ta thường định nghĩa và ráp nối mảnh tin đó với những cảm tính  hoặc định kiến sẵn có, nhất là những ảo tưởng về giá trị và khả năng của chính mình. Làm như vậy cũng giống như là chúng ta ăn một vật gì, mang một cái gì hoặc một người lạ vào nhà mà không biết vật đó, cái đó thực sự là gì, hoặc người đó thực sự là ai. Truyền Kỳ Mỵ Châu đã dạy về bài học này rất rõ. An Dương Vương đã đưa giặc vào nhà để cầu hòa và Mỵ Châu cũng đã lấy giặc làm chồng.

 

Liên Minh Tình Báo

 

Mọi người, mọi tổ chức phải chú trọng đến việc làm sao chúng ta có được một liên minh tình báo. Các liên minh tình báo giữa các quốc gia trên thế giới giúp nhau giải quyết mọi vấn đề về kỹ thuật và phương pháp để cô lập, vô hiệu hoá, lợi dụng, hoặc triệt tiêu đối phương, bất kể đối phương là ai, từ cấp cá nhân riêng lẻ lên đến các khối quyền lực có sức ảnh hưởng vượt lên trên và ra ngoài sức mạnh của các liên minh cấp quốc tế. Không ai có thể thoát khỏi chiến tranh tình báo.

 

Chiến tranh tình báo là chiến tranh muôn thuở (eternal warfare), không ranh giới, không hạn chế và vượt thời gian và không gian (thời không). Tình báo không dựa vào sự tin tưởng mà dựa vào sự hữu hiệu của tín liệu. Trong một liên minh tình báo, mọi tín liệu phải được tinh lọc và trao đổi theo các sơ đồ của Hoa Song Hiệp (HSH), Hoa Tiên Rồng (HTR), và Hoa Bảo Bình (HBB). Một chuyên viên tình báo phải thấy được sự cân bằng tín liệu khi trao đổi, qua cái dụng của HSH; phải hình dung được sự cân bằng giá trị của các loại tình báo khác nhau bằng cấu trúc tổ chức của HTR; và phải biết dùng HBB để thấy rõ giới hạn của giá trị tình báo tùy theo mức độ khả tín và tầm độ ảnh hưởng của từng mảnh tin và sự giới hạn của từng mảnh tin đó trong thời không. Sự trao đổi tín liệu phải cân được nhau trong giá trị và ảnh hưởng. Đối với giặc, chỉ có sự giả dối và lừa gạt mà giặc không thể ngờ được. Đối với bạn, chỉ được có sự thật tuyệt đối với nhau mà thôi.

 

 


 

Người Việt có thể tự ai nấy làm như hiện nay, vì làm vậy là sướng nhất, nhưng nếu chúng ta không có một liên minh tình báo, từ sự giao tiếp giữa các cá nhân nơi một địa phương nhất định lên đến cấp toàn cầu, thì mọi hành động đấu tranh đánh giặc để cứu dân cứu nước đều là sự tự sát. Muốn có một liên minh, trước đó phải có các chuyên viên tình báo trong mọi tổ chức, rồi chuyên viên của các tổ chức phải tìm được nhau.

 

Ở cấp địa phương, phải biết cách bảo mật nào vừa giúp ta an toàn và vừa giúp ta thành lập cho được các liên minh. Ở cấp toàn cầu, không đạt tới thuyết thì không thể thấy được các hệ thống quyền lực trên trái đất đang làm gì, vì mọi suy tư và hành động của bất cứ ai hoặc một hệ thống nào cũng đều được đặt trên hoặc dựa vào một hệ tư tưởng hoặc sự ráp nối tùm lum tà la nhiều hệ tư tưởng của những kẻ rối trí.

 

Trong hệ thống tình báo cũng phải có hệ thống phản gián. Cách tìm ra gián điệp trong tổ chức của mình thì phải có mồi nhử, cạm bẫy, kiểm soát và săn lùng. Cách tìm ra các chuyên viên tình báo trong hàng ngũ của giặc thì phải biết chú ý tới khả năng cân nhắc giá trị của từng chữ và từng câu nói của họ, lúc hỏi cũng như lúc đáp.

 

Không có tình báo và phản gián thì mọi nổ lực đấu tranh đều là vô ích. Không có một liên minh tình báo thì mọi tổ chức đấu tranh chắc chắn phải thất bại.

 

Phản Gián Công, Phản Gián Thủ

 

Vũ khí lợi hại nhất của tình báo là sự phản trá, có nghĩa là giả trá và phản bội. Trong tình báo có điệp báo (intelligence) và phản gián (counterintelligence). Điệp báo là việc thu thập tin tức bằng mọi phương tiện, dưới mọi hình thức. Tích cực, cho thấy cái giả, hoặc tiêu cực, che giấu cái thật, hoạt động của điệp báo mang tính cách âm thầm và bí mật. Mục tiêu của điệp báo là sự xâm nhập vào hệ thống thần kinh của đối phương để nghe ngóng, xem xét, tìm hiểu và báo cáo.

 

Phản gián là cốt lõi, là tinh anh của tình báo. Ngoài sự phản bội, vũ khí của phản gián còn là sự trí trá, là sự giả hình, giả lời, giả tình và giả nghĩa. Khả năng phản gián cấp chiến thuật nơi từng địa phương khi đã được đồng bộ hóa với phản gián cấp chiến lược của quốc gia thì có thể che mắt, bịt tai, lừa gạt và làm loạn tâm trí của mọi đối thủ, từ từng cá nhân lên đến mọi hệ thống tình báo chiến lược cấp quốc tế.

 

Trong phản gián có phản gián công và phản gián thủ. Phản gián thủ lo việc cài bẫy để vô hiệu hóa những hoạt động của tình báo đối phương, còn phản gián công thì lo việc dụ dỗ, cảm hóa, hướng dẫn và tiêu diệt mọi đối thủ. Phản gián thủ hoạt động để bảo vệ khối tình báo và an ninh của bên mình, còn phản gián công thì hoạt động để lợi dụng hoặc tiêu diệt đối phương bằng mọi thủ đoạn và mánh khóe trong mọi sinh hoạt con người từ cấp cá nhân đến tập thể.

 

Tinh hoa của phản gián là mật sát.

 

Sự Che Giấu và Lừa Gạt (Denial and Deception/D&D)

 

Kỹ thuật Che Giấu và Lừa Gạt (CG&LG) là vũ khí chuyên môn trong chiến tranh tình báo. Môn võ này khi hiện ra bên ngoài thì là chiến tranh tâm lý hoặc tâm lý chiến.

 

Mục tiêu của tâm lý chiến là làm tăng trưởng sự sợ hãi hoặc làm thoả mãn những mong muốn sâu kín trong tâm tư của đối tượng. Ví dụ, trong chiến tranh tâm lý có chiến tranh tuyên truyền. Mục tiêu của chiến tranh tuyên truyền là làm cho đối tượng si mê với ước mơ mà quên đi thực tại. Những ước mơ đó thường được bên đang lừa gạt tạo nên bằng môi trường, hình ảnh, âm thanh, mùi vị và chữ nghĩa tác động và kích thích trí tưởng tượng của bên đang bị gạt về một thực tại coi như là hiển nhiên hay một tương lai dường như sắp đến hoặc tự nhiên sẽ đến. CG&LG làm cho sự tưởng tượng của đối phương trực tiếp ảnh hưởng những ước mong hoặc sự sợ hãi sẵn có trong tim óc họ.

 

Như Triệu Đà gạt An Dương Vương và Trọng Thủy lừa gạt Mỵ Châu, cái hay của sự CG&LG là làm cho đối tượng bị ảnh hưởng đến mức sự quyết định và hành động của họ xảy ra đúng như ý muốn của kẻ đang lừa gạt họ mà họ không hề hay biết. Điều nguy hiểm nhất về sự CG&LG là khi một hoặc nhiều người đang tự CG&LG chính mình và lẫn nhau nhiều và thường xuyên đến mức không còn ai biết đâu là sự thật. Cuối cùng là họ tự trói buộc họ, để rồi họ tự hại chính mình và hại luôn nhau.

 

Ở mọi thời không và cấp độ sinh hoạt, nhất là hôm nay khi tin liệu bao trùm trái đất, con người vẫn thường thích CG&LG nhau.

 

 Gián Điệp Nhị Trùng

 

Vua Quang Trung có lần viết trong Hịch: "Các ngươi đừng giở thói hai lòng, bằng không ta sẽ giết." Lúc đó, Ngài đang nói về gián điệp nhị trùng.

 

Gián điệp nhị trùng là vũ khí lợi hại nhất trong chiến tranh, là loại gián điệp "Đồng Sàn Dị Mộng." Họ làm việc, nhận lương bổng của cả hai bên, ăn nằm với cả hai bên nhưng chỉ thực sự trung thành với một bên mà thôi. Công tác của gián điệp nhị trùng là sự báo cáo sự thật từ những nơi sâu kín nhất của hệ thống tình báo đối phương, với mục tiêu quan trọng nhất là sự suy nghĩ của những người trong hệ thống trung ương, lãnh đạo tối cao của đối thủ. Mọi việc khác thì hệ thống tình báo và phản gián phe bạn phải hổ trợ, lo toan .

 

Để đối phương tin vào gián điệp nhị trùng mà hệ thống tình báo đã cài vào, bên tấn công phải tìm mọi cách để "Thả Tép Bắt Tôm," tức là làm sao cho gián điệp nhị trùng của mình cuối cùng được trở nên gián điệp mà đối phương tin dùng nhất. Trọng Thủy là một loại gián điệp nhị trùng. Điều khác biệt là An Dương Vương và Mỵ Châu tự rước giặc vào nhà và nhận giặc làm con, làm chồng.

 

Gián điệp nhị trùng là loại gián điệp khó bị khám phá nhất, vì họ luôn luôn chỉ bộc lộ những gì có lợi cho bên mà họ đang đối diện.

 

Xưa kia, nhà Thương thắng nhà Hạ, rồi mấy trăm năm sau đó nhà Chu thắng nhà Thương, yếu tố mấu chốt vẫn là người trong hệ thống gián điệp của đối thủ bỏ bên kia để về với bên này. Mặc dù vậy, vẫn có loại gián điệp tam trùng, tứ trùng, tức là loại người lúc nào cũng đang phản bội. Gián điệp nhị trùng "Bất Đắc Kỳ Tử" nên dễ đổi dạ thay lòng. Tôn Tử có nói "Chỉ có bậc Thánh Trí mới dùng dược gián điệp" là vậy.

 

Loại người hai lòng thường có những đặc tính như sau:

1. Ham thích tiền của và danh vọng

2. Tự cao tự đại

3. Ỷ lại khoe khoang

4. Hơn thua ganh tị

 

Trung Ương Tình Báo

 

Sức mạnh của một hệ thống tình báo là do sự kết hiệp chặt chẽ và mật thiết giữa địa phương và trung ương. Trung ương lo việc nghiên cứu, địa phương lo việc chiến đấu. Bổn phận của một trung ương tình báo là sự thanh lọc và phân tích tín liệu. Theo hệ thống tổ chức kim tự tháp thì trung ương ra lệnh và chỉ huy, nhưng theo hệ thống tổ chức Trọng Tâm Mạng Lưới thì trung ương lo việc điều hiệp lòng người và điều hành công việc, sao cho thật hữu hiệu. Đây là mấu chốt cực kỳ quan trọng.

 

Cũng như trong Truyền Kỳ Phù Đổng, khi Phù Đổng/lòng dân đã trỗi dậy thì trọng tâm của cuộc chiến là Phù Đổng/tiền tuyến, không phải trung ương, nhất là một trung ương tình báo. Lý do là ở nơi một chiến tuyến đang nóng bỏng, thì sự an nguy của từng chiến sĩ và từng người dân đang yểm trợ cho họ là quan trọng nhất. Người ở tiền tuyến luôn luôn phải được có quyền năng tự quyết. Ở nơi chiến tuyến, người dân phải lo việc sinh tồn và chiến thắng, còn hệ thống tình báo phải lo chu toàn việc bảo vệ và yểm trợ cho dân.

 

Trung ương và tiền tuyến phải trở nên như một. Muốn cho bất cứ sự việc gì được thành công một cách mỹ mãn nhất thì phải "Muôn Người Như Một." Hiểu theo truyền thống đấu tranh của Dân Tộc ta thì đó là "Trăm Con Một Bọc," cùng Mẹ là Tiên, cùng Cha là Rồng, sinh ra cùng một lúc, giống nhau như đúc về mọi mặt. Nếu chúng ta sống, cư xử, làm việc, và sinh hoạt với nhau như vậy, thì tình báo giặc mới không xen kẽ vào được. Phải biết bảo mật cho chiến sĩ và người dân như bảo mật cho chính mình vậy. Sự bảo mật có hai mặt: bảo mật suy tư và bảo mật hành động. Bảo mật suy tư thì không để hiện ra trong lời nói hoặc tinh thần.

 

Bảo mật hành động thì việc gì cũng chỉ có một người biết mà thôi. Việc gì cũng chỉ có một người trực tiếp liên hệ đến việc chu toàn sứ mệnh mới được biết. Sự bảo mật có liên quan trực tiếp với sự bảo toàn mạng sống của từng người. Vì vậy, trong hoạt động tình báo, mọi người chỉ thấy được sự việc sau khi nó đã xảy ra, thấy rõ ảnh hưởng và hậu quả của nó, chứ không biết được người làm là ai. Theo người bàng quang thì những sự kiện đó dường như "tự nhiên như vậy," hoặc là "quả báo nhãn tiền." Người Nhật thường gọi các chuyên viên tình báo của họ là Nhẫn Gia (Ninja).

 

Năm Loại Tình Báo

 

Có năm loại tình báo:

 

1. Đo Lường và Ký Hiệu (MASINT): Đo lường một sự hiện hữu hay hoạt động nào cho đến khi chu kỳ tiến trình, tức ký hiệu của nó, hiện ra trong đời sống thường ngày hoặc trong những làn sóng của giòng quang phổ điện từ (electromagnetic spectrum). Đo lường sức người thì dùng thời gian. Đo lường trí người thì nhìn hành động. Đo lường lòng người thì nhìn hậu quả của việc họ làm. Đo lường chiến lược và chiến thuật hoặc trận đồ của giặc thì dùng không gian. Đo lường người và hoạt động của giặc mà không để cho giặc do lường được mình và việc mình làm là nền tảng của sự bảo mật.

 

2. Hình Ảnh (IMINT): hình chụp và hình quay trong giòng quang phổ điện từ. Một chuyên viên tình báo cũng phải biết chụp hình và quay phim bằng thần trí của mình. Phải luyện tập sự nhận xét và báo cáo trung thực, ngắn gọn, chính xác, và rõ ràng về con người và sự kiện cùng với sự ghi chép về thời gian và không gian nhất định. Bản báo cáo phải trung thực như phim ảnh tự nhiên vậy, không thêu dệt, không thêm bớt.

 

3. Tín Hiệu (SIGINT): Trong Tín Hiệu có (1) Liên Lạc (COMINT) bình thường hoặc bằng mật khẩu/mật hiệu; và (2) Tin Điện (ELINT), là mật mã trong giòng quang phổ điện từ. Mục tiêu tối hậu của hoạt động này là sự biết cho thấu hệ thống liên lạc của giặc, nhất là những liên lạc bí mật. Tình báo tín hiệu cho ta thấy được giặc đang đặt niềm tin vào ai, về việc gì, hoặc họ đang suy nghĩ những gì, đang tính toán, chuẩn bị những sự việc gì và cấu trúc tổ chức của họ ra sao. Một điều phải cảnh giác là các hệ thống phản gián cũng thường tạo ra những cơ quan và hệ thống liên lạc "bí mật" để lừa gạt tình báo của đối phương.

 

4. Nguồn Tin Mở (OSINT): bất cứ loại tài liệu nào có thể khai thác được mà không cần đến những hoạt động bí mật. Tám mươi phần trăm (80%) của tín liệu tình báo là từ những nguồn tin mở. Trong công việc thu tin giữa người và người, cách đặt câu hỏi là một công tác cần sự nghiên cứu để hiểu biết về đối tượng và phương thức hỏi đáp nào có hiệu quả nhất đối với đối tượng đó. Việc đặt câu hỏi có hai cách: (1) chọn người cho đúng và (2) lựa nơi, lựa lời, lựa lúc, lựa phương tiện và phương thức. Phải chọn người nào biết rõ điều mình muốn biết, chọn cách tiếp cận (luôn luôn phải có lễ phép), lựa lời ra sao, lúc nào, để họ có thể cho mình biết những điều họ biết một cách an toàn cho họ và cho mình. Trong những môi trường và hoàn cảnh thích hợp cho sự trao đổi, ai giỏi về điều gì thì họ sẽ tự nhiên nói về điều đó. Tình báo viên là người biết "nghe mười hỏi một." Có một cách thu tin mà tình báo Trung Quốc thường dùng. Họ gọi nó là "Hằng Ngàn Hạt Cát." Hoạt động này tương tự như kiến tha mồi. Ví dụ, muốn biết mười điều từ một người thì có mười người hỏi, và mỗi người dấu câu hỏi của mình trong mười câu nói.

 

5. Nhân Liệu (HUMINT): tín liệu từ người mà có. Hoạt động này khó khăn và nguy hiểm nhất trong các loại tình báo. Việc cài người vào hàng ngũ hoặc tổ chức của giặc cần có thời gian và những điều kiện cần thiết. Việc đi tìm người hiền trong hàng ngũ của giặc luôn luôn phải được nghiên cứu tường tận nhất. Tóm lại, có hai loại người, loại người trung tín và loại người phản bội. Lòng trung tín hoặc phản bội là một quyền năng tuyệt đối trong con người, cho nên hai loại người này tự họ muốn sống như vậy, không thể huấn luyện hoặc mua chuộc để cho họ khác đi được. Người thích sống bằng lòng trung tín thì mình giữ bên trong, chuyên lo việc phản gián. Người giỏi sống bằng sự phản bội thì cho họ hoạt động bên ngoài, ngay giữa lòng địch. Câu "Dụng nhân như dụng mộc" áp dụng vào tình báo là thích hợp nhất. Cây sống thì vun tưới. Cây khô thì dùng làm nhà, làm chòi, làm cũi. Trong thế giới tư bản, người Anh dùng gián điệp nhị trùng giỏi nhất. Trong thế giới cộng sản, Nga cộng dùng mật sát giỏi nhất. Từ thập niên 70 đến nay, theo chính quyền Hoa Kỳ thì Trung Cộng ăn cắp bí mật quốc gia của người Mỹ nhiều nhất, kể cả những họa đồ và phương thức chế tạo những hỏa tiển và bom đạn nguyên tử có sức phá mạnh nhất (1999 Cox Report, U.S. House of Representatives, Select Committee).

 

Khoảng Trống Tình Báo và Câu Hỏi Tình Báo

 

Khoảng Trống Tình Báo (intelligence gap) và Câu Hỏi Tình Báo (intelligence question) là hai yếu tố được dùng khi chúng ta muốn khởi sự một hoạt động tình báo. Khoảng trống tình báo là khoảng trống của sự hiểu của chúng ta về một người hoặc một nhóm người nào, vật gì, việc gì, hoặc hoạt động nào của ai đó. Câu hỏi tình báo là then chốt giá trị cho kết quả của sự thu thập tin liệu. Một câu hỏi đơn sơ sẽ có một câu trả lời đơn sơ. Ngược lại, một câu hỏi phức tạp sẽ có một câu trả lời phức tạp. Vì vậy, câu hỏi và câu trả lời phản ảnh giá trị của nhau.

 

Một khi trung ương đã định được khoảng trống trong sự hiểu biết thì câu hỏi phải được đặt ra một cách thật đơn sơ và rõ rệt, để người thu tin biết thật rõ là họ phải làm sao để đạt cho bằng được mục tiêu tin liệu một cách thật chính xác. Cho nên, công việc nhận định khoảng trống tình báo và sự đặt câu hỏi tình báo đòi hỏi việc nghiên cứu tường tận vì hoạt động tình báo đòi hỏi rất nhiều công phu và nhẫn nại của khối thu tin. Hơn nữa, trong nhân liệu cũng như vật liệu, các nhu liệu tình báo luôn luôn có giới hạn.

 

Tình Báo Nguyên Nghĩa/Rõ và Tình Không Nguyên Nghĩa/Mờ (Literal and Non-literal)

 

Tình báo nguyên nghĩa là loại tin liệu có ý nghĩa rõ rệt mà không cần đến sự phân tích của chuyên viên. Tình báo không nguyên nghĩa thì một người bình thường nhìn vào hoặc lắng nghe thì thấy mù mờ cho nên cần phải có chuyên viên thông dịch hoặc giải thích giùm. Tin liệu nào cũng có mặt trái, mặt phải, và nghĩa đen hoặc nghĩa bóng.

 

Về mặt thông dịch tình báo, khả năng hiểu biết của thông dịch viên về văn hóa, lịch sử, phong tục, tập quán, và đặt biệt là cách nhìn của một dân tộc, một quốc gia, một địa phương, một tổ chức, một nhóm người, hay của một người đều có ảnh hưởng trực tiếp tới sự thông dịch chính xác hay không chính xác tin liệu. Sự nghiên cứu về mật mã, mật khẩu, hoặc mật hiệu đòi hỏi một cơ quan tình báo phải có người bên trong khối tình báo của đối phương.

 

Tình Báo và Thiền học: Một sự Trùng Hợp Ngẫu Nhiên

 

Có một điều rất lạ là sự trùng hợp giữa khoa học tình báo của phương Tây và thiền học của phương đông. Dường như cái nhìn của phương Tây về sự Khách Quan (objectivity) đồng nghĩa với cái nhìn về sự Giác Ngộ của phương Đông (enlightenment).

 

Trong khoa học tình báo, muốn có được sự thật, chúng ta cần phải có sự khách quan trong cách nhìn và cách phân tích. Sự khách quan này đòi hỏi chúng ta phải nhận diện mọi giả thuyết mà chúng ta đang có và tỏ bày những giả định đó ra nơi ánh sáng để mọi người cùng nhau nhận định và suy xét, để coi xem những giả thuyết đó đúng sai ra sao. Hơn nữa, sự khách quan cũng đòi hỏi chúng ta phải thấy được cái nhìn riêng biệt của từng đơn vị nhân sinh.

 

Trong thiền học, bản ngã là nguồn gốc của định kiến và định kiến là nguồn gốc của sự sai lầm. Một người không chịu để ai khác có những nhận định khoa học và khách quan về những định kiến của mình là một con người cố chấp. Sự cố chấp làm cho con người trở nên độc đoán. Người độc đoán khi có quyền lực thì trở nên độc tài. Một dân tộc, một quốc gia, một đảng phái, một tổ chức, một đoàn thể, hay một gia tộc nào cũng vậy.

 

Dường như khoa học tình báo và thiền học đều muốn đưa loài người vào một cuộc khám phá chung, một hành trình sống động và hiện thực liên tục của con người và xã hội loài người trên trái đất và trong vũ trụ vô cùng tận này. 

 

Tình Báo và Toàn Dân

 

Trong hành động, phần rồng của một tổ chức, mỗi người chiến sĩ phải biết lấy sinh mạng của mình để làm gốc. Không phải vì chúng ta sợ chết hay sợ bị giết, mà sợ rằng chúng ta không chu toàn được sứ mệnh, chúng ta không thành công trong việc thắng được giặc, mà thôi. Làm rồng, khi tịnh thì nằm yên, sâu thẳm trong lòng của biển. Biển là biểu tượng cho sức sống của toàn dân. Có nghĩa là trước nhất chúng ta phải biết sống như một người dân bình thường, sống với những nỗi đau của dân, và sống với những nỗi khổ của dân, cùng chia sẻ những nỗi vui buồn của dân. Khi người dân bắt đầu chia sẻ cuộc sống của họ cùng Bạn, thì các mối liên hệ cần thiết cho cuộc đấu tranh sẽ bắt đầu. Khi Phù Đổng bật nói thì tổ chức phải bắt đầu nghe dân và làm theo ý dân. Đây là phần động của rồng. Muốn thắng giặc thì phải biết nghe dân.

 

Mỗi lần Bạn nghe hoặc thấy hình ảnh của một người dân đang đau, bạn hãy biết đau. Vì trong tình nghĩa của Một Bọc Trăm Con, của Đồng Bào ruột thịt, đó chính là ông, là bà của Bạn, là cha, là mẹ của bạn, là cô cậu, là dì dượng, là chú thím, là bác của Bạn, là anh, là chị, là em, là cháu, chắt của Bạn.

 

Yêu thương là nơi giặc thù coi là , Bạn hãy tranh ở đó.

Chia sẻ là nơi kẻ ác Không canh gác, Bạn hãy chiếm giữ nó.

Việc Binh là sự bênh vực đó Bạn, Bạn có biết không? 

 

 

 

 

 

 

BAN NGHIÊN HUẤN

 

 

Số Truy Cập

 website hits counter

 

 

 

Tuyên NgônHiến Chương Tâm Tình Tạ Tổ

 Tiếng Gọi BạnĐảng Chính Trị

 

 

|Trang Nhà|   |Cánh Kinh Thương|   |Cánh Thanh Niên|   |Cánh Xã Hội|   |Cánh Chính Trị|   |Ý Kiến|

 

© 2019 Dang Tien Rong (DTR) Vietnamese Political Party. All Rights Reserved

© Educational Tien Rong Theory Research - Competencies for Analysis and Application