Kính chào quý vị và các bạn đến thăm trang nhà www.dangtienrong.org

 

 

   

 

Bộ Ba Nền Tảng

 

Kính thưa quý vị và các bạn, trước khi chúng ta tiếp tục khai triển “bộ bốn sống thực” và “bộ hai phục hưng,” xin được tổng kết sơ lược “bộ ba nền tảng” của Chánh Thuyết Tiên Rồng – một tuyệt tác chính trị của Tổ Tiên.

 

- Tiên Rồng, Chử Đồng, Trầu Cau là bộ ba nền tảng, gọi là nền tảng vì chúng ta có được nhận diện, định nghĩa về con người và cộng đồng xã hội một cách hoàn chỉnh, toàn diện, đúng thực. Đúc kết nét đặc thù và khai thác các truyền tích đó, chúng ta có được một hệ thống tư tưởng chỉ đạo sống động và hiện thực – là Sinh Thức Tiên Rồng – với nguyên lý Tiên Rồng Song Hiệp để áp dụng vào cấu trúc tổ chức cộng đồng xã hội Bọc Mẹ Trăm Con.

 

1. Tiên Rồng: Chúng ta có nguyên lý sinh hóa của vạn vật, đặc biệt căn cứ trên con người –  nguyên lý Tiên Rồng Song Hiệp, định nghĩa về con người một cách hoàn chỉnh, toàn diện, đúng thực. Nhận diện xã hội con người là Xã Hội Đồng Bào, xã hội anh em một là trăm, trăm là một, với hai nguyên lý siêu việt của loài người là Bình Đằng Tột Cùng – Thân Thương Tột Cùng.

 

Tiên Rồng mang ý niệm và đặc tính của mẹ Tiên cha Rồng, phối hiệp tòan nhất và tương đồng, kết tinh tòan vẹn mọi tương quan sinh họat con người.

 

Biểu tượng Một Bọc Trăm Con xác định đặc tính xã hội con người bẩm sinh, do kinh nghiệm cuộc sống từ gia đình, gia tộc, dân tộc. Con người nhận ra mình không thể sống đơn độc, ngay từ lúc bắt đầu mầm sống đã cần có mẹ cha, cần có sự chăm sóc, bảo bọc của tình thân ruột thịt. Bằng ngược lại, sống đơn độc thì con người không thể phát triển tòan vẹn cuộc sống về mọi phương diện. Cũng do kinh nghiệm, con người nhận ra mình vừa là một hiệp thể cá biệt tòan vẹn, mà cũng là một thành phần của cộng đồng xã hội Bọc Mẹ Trăm Con.

 

Và do kinh nghiệm cuộc sống trong tình thân với cha mẹ, với anh chị em, con người nhận ra mình có cùng một nguồn gốc, cùng một sức sống, và chia sẻ cuộc sống với nhau, cho nhau. Con người rút tỉa kinh nghiệm do cuộc sống bản thân quây quần trong gia đình, và cuộc sống cũng không đóng khung trong một tập thể hạn hẹp, mà còn mở rộng ra tới nhiều con người khác. Vì vậy hai truyền tích Chữ Đồng và Trầu Cau đã ghi nhận kinh nghiệm trong cuộc sống đông người, cộng đồng xã hội.

 

2. Trầu Cau: Chia sẻ với Tiên Rồng, rút tỉa từ Bọc Mẹ Trăm Con ra hai anh em sinh đôi, giống nhau như đúc, thương nhau rất mực, chưa hề lìa nhau để áp dụng vào đời sống cộng đồng xã hội bằng Nếp Sống Tiên với nguyên lý Thân Thương Tột Cùng. Trầu Cau đặt nền tảng tương quan giữa người với người: “Thương nhau trọn tình, Sẵn sàng chết vì thương, Dẫu có chết cũng vẫn còn thương.”

 

Do kinh nghiệm cuộc sống thân thương của gia đình, con người nhận ra tình cảm giữa con người với con người, đã phát xuất từ việc nhìn nhận nhau là đồng bào, là anh em, Giống nhau như đúc, và thực tâm Quyết chẳng lìa nhau. Tình yêu thương ruột thịt đó lại nhận thêm nhiều kinh nghiệm khi gia đình có thêm người xa lạ, đó là hình ảnh chị dâu, khi người anh vừa cưới vợ.

 

Cuộc sống bất toàn, biến chuyển và trắc trở khi con người lại nhận ra tình thân thương chỉ tồn tại, khi con người sẵn sàng đánh đổi cuộc sống mình cho những người mà mình mến thương, Sẵn sàng chết cho nhau. Dù yêu thương nhau khắng khít, vượt thắng mọi trở ngại để bảo vệ tình thân, con người cũng trải qua kinh nghiệm của sự chết, của việc người thân vĩnh viễn lìa đời.

 

Nhưng cũng do kinh nghiệm ấy, lòng thương nhớ không nguôi của con người, lại cảm nhận sự chết chẳng những không chấm dứt, không ngăn cản mà còn giúp con người thể hiện trọn vẹn tình Thân Thương Tột Cùng, Mãi mãi có nhau, vì khi đó không còn bất cứ gì có thể ngăn cản con người kết hợp nhau trong yêu thương.

 

3. Chữ Ðồng: là bài học “Bình Ðẳng Tột Cùng” của Nếp Sống Rồng. Tổ Tiên dùng hình ảnh Tiên Rồng trong truyện tích Công Chúa Tiên Dung xinh đẹp, giầu sang, được yêu thương kính trọng và quyền thế cao cả, tột cùng trong xã hội. Theo chữ nho, chữ nhân ghép với chữ sơn thành chữ tiên, tiên là người ở núi, núi của (vật chất).

 

Nàng là nàng tiên giáng trần đến với chàng rồng Chữ Ðồng đói khổ, lang thang kiếm kế sinh nhai bên bờ sông bãi sú. Chàng nghèo khổ đến nỗi chỉ có một cái khố, mà vì hiếu chàng đã cởi để liệm cho cha, lúc người lìa trần, rồi chàng không còn gì cả. Tổ Tiên muốn dạy điều gì? Phải chăng muốn sống với nhau, phải thấy nhau bằng con người thật, con người tinh tuyền, con người không bị vật chất lụa là che phủ hay vây bọc.

 

Mặt khác, chàng là rồng thì ẩn mình trong lòng đất (thủy phủ) để chờ đợi cho tới khi công chúa Tiên Dung vây màn tắm gội. Nàng từ trời xuống! Chàng từ đất lên! Nàng giầu sang tuyệt thế! Chàng tệ hơn khố rách áo ôm! Thế vậy mà nên duyên, mà song hiệp, thì xin hỏi xã hội này còn kẽ hở nào để mà ngăn cách hay phân chia giai cấp?

 

Chính nhờ sự Song Hiệp Tiên Rồng, con người mới được sống hạnh phúc. Tiên Dung – Chữ Ðồng đã giúp dân, có cả một chương trình phát triển xã hội, giáo hóa dân chúng (dạy dân phép tiên), phát triển kinh tế (lập phố xá), ngoại thương (ra biển đi buôn), phát triển giao dịch, lưu thông (gậy thần rút đất). Tới khi cặp tiên rồng này Về Trời thì dân chúng cũng được về theo! Tất cả thành tiên, đẹp như tiên, sướng như tiên, hạnh phúc cực lạc!

 

Nhìn lại cuộc sống càng kéo dài và càng có đông người, thì con người càng thêm kinh nghiệm về những khác biệt trong tài năng, trong sức lực, cũng như trong may rủi của cuộc đời như kinh nghiệm của Tiên Dung – Chữ Đồng. Do kinh nghiệm đối xử với nhau, do tâm tình muốn bảo đảm cuộc sống tốt đẹp cho nhau, con người nhận ra rằng mỗi người phải Nhận thực chính mình.

 

Khi đã biết rõ thân phận Con Người của mình, mỗi người lại phải nhìn nhận và sống với những con người khác như những con người tinh vẹn, không để bất cứ ngọai vật làm sai lạc hình ảnh đích thực con người. Chỉ thấy con người.

 

Cũng do kinh nghiệm san sẻ trong tình thân, con người nhận ra cách xử dụng thích đáng tài năng và của cải. Tài và của chỉ là những phương tiện để gíup nhau cùng phát triển, Tài của giúp người, để tất cả Mọi người cùng hưởng hạnh phúc và thăng tiến, không trừ ai. Những kinh nghiệm sống đó Tổ Tiên đã gói ghém tuyệt vời trong truyền thuyết Chữ Đồng.

 

Tới đây, chắc chắn nhiều bạn đọc còn hiểu nhiều chi tiết truyện tích hơn cả người viết? Thưa bạn, mình còn bao điều muốn nói, nhưng sao mà nói cho hết được. Vì mỗi người dân Việt, là con cháu của Tổ Tiên dòng giống Tiên Rồng siêu việt – thì tâm hồn Việt, máu huyết Việt đang luân lưu trong con người bạn, là cả một kho tàng Chánh Thuyết Tiên Rồng đang tiềm ẩn trong bạn, xin bạn hãy tự khai thác lấy gia tài Tổ Tiên?

 

Sau Bộ Ba Nền Tảng cho con người và cuộc sống con người trong xã hội, Tổ Tiên dạy về một cơ cấu quan trọng nhất, đã chi phối mạnh mẽ tới đời sống con người, đó là Nước, Quốc Gia.

 

 

 

Hình tác giả trước Bàn Thờ & Linh Vị Vua Gia Long ở Cố Đô Huế

 

4. Huấn Ca Tiết Liêu

 

Thứ tư: Tình Nước sáng tươi
Tiết Liêu – bài học Con Người An Dân
Làng giàu nước đẹp phải cần
Mẫu người tài đức giúp dân thái hòa

Vua Hùng – thánh chỉ ban ra
Cúng dâng lễ vật thì là truyền ngôi
Và rồi khắp chốn xa xôi
Ðã bao hoàng tử nổi trôi đi tìm
Tiết Liêu vốn tính lặng im
Suốt ngày quanh quẩn chẳng tìm đâu xa
Một hôm chàng gặp Cụ Gìa
Dạy làm kiểu bánh đậm đà hương say
Bánh chưng cùng với bánh dày
Chế từ lúa gạo - thường ngày nuôi dân
Rồi chàng luyện tập chuyên cần
Dâng lên của lễ - xứng phần làm vua

Từ đây lễ tết đầu mùa
Dày Chưng – là bánh tiến đưa bàn thờ

Có ai đã mấy khi ngờ
Việc vua việc nước – cần nhờ sứ nhân
Nước ngoài – văn hóa chỉ cần
Mẫu người cai trị thông phần dụng binh
Giết người cướp của mặc tình
Miễn tranh vương gỉa – điển hình sử xanh

Nhưng nền Ðạo Việt tinh anh
Phải tìm lễ vật – mới dành ngôi vua
Khởi công bài học thi đua
Nhờ ơn Tộc Tổ – làm vua phải cần
Mang ra giáo hóa toàn dân
Tri ân thủ nghĩa – góp phần dựng xây
Non sông trăm họ xum vầy
Cùng nhau ăn qủa – nhớ cây người trồng
Vẫn theo tiêu chuẩn nghĩa công
Ông bà nhắc chuyện Tiên Rồng với câu
Long Quân Thánh Tổ – nhiệm mầu
Khi cần thì gọi – nơi đâu cũng về!
Bao phen linh ứng lời thề
Tổ là Hồn Nước – cận kề với dân

Ðã bao hoàng tử vong thân
Ðua nhau vọng ngoại – tảo tần phương xa
Quên luôn báu vật quê nhà
An Dân Thịnh Nước – mới là xứng ngôi
Cần chi những của xa xôi
Gây ra mâu thuẫn – vua tôi trị vì

Nhưng đây truyền thuyết lại ghi
Tài tìm lễ vật – những gì An Dân
Tiết Liêu vận dụng toàn phần
Tâm Tuệ – tìm vật giúp dân hưởng nhờ
Thức ăn từ gạo đơn sơ
Thêm tài cải tiến – nào ngờ thơm ngon
Làm theo hình thể vuông tròn
Bảo Bình – hàm ý sống còn trong tên
Tuyệt thay chiếc bánh chưng rền
Lá xanh gạo trắng – nói lên thanh bình
Ta nhìn tấm bánh xinh xinh
Bên trong gói ghém bao tình quân dân
Muối tiêu đường đậu thịt nhân
Ngọt bùi cay đắng – chia phần sẻ san
Dựng nên cảnh sống thịnh an
Mọi người cùng hưởng – chứa chan công bằng


Cũng trong buổi hội hoa đăng
Bánh Dày nhuần nhuyễn – xin rằng chớ quên
Thời suy – loạn lạc nổi lên
Cứu nguy xã tắc – đạn tên không sờn
Sứ Nhân nặng nợ công ơn
Trước là Sống Thực – biết nhơn biết mình
Hai là Hồn Nước quang vinh
Cầu xin Tộc Tổ thương tình giúp cho
Ba là Lột Xác nguyên do
Gĩa từ cái cũ – ta lo sửa trì
Dấn Thân – điều chót nhớ ghi
Anh em cộng tác – xá gì gian lao
Là con cháu Việt tự hào
Thực thi truyền thống đề cao Tiên Rồng

Tiết Liêu gương sáng khởi công
Sống theo Hồn Nước – hoà đồng toàn dân
Quyết tâm lột xác dấn thân
Dân an nước thịnh – tỏ phần tài năng
Truyền thuyết Tổ đã dạy rằng
Phải luôn cải tiến – phát tăng nhu cầu
Ðưa ra quốc sách khởi đầu
Cộng theo cơ chế – nghèo giầu thích nghi
Cố công tìm kiếm những gì
Giúp dân sống thực – chớ vì quyền uy
Làm vua – tuân giữ nội quy
Thực hành Lời Tổ – cứu nguy dân lành
Lợi dân ích nước – hoàn thành
Cộng đồng hạnh phúc – sáng danh Tiên Rồng

Trong bài Dựng Nước Chữ Ðồng
Phúc thay! Toàn thể thưởng công Về Trời
Có Làng – Có Nước xây đời
Tiết Liêu hướng dẫn những lời An Dân
Căn cơ Việc Nước tạo phần
Quê hương thịnh vượng toàn dân huy hoàng
Hiệp theo thực thể rõ ràng
Việc Làng – phát triển nơi chàng An Tiêm
Biểu trưng dưa hấu uy nghiêm
Biến vùng sỏi đá thành niềm ước mong

Tổ Tiên muốn nói chữ Song
Tiên Rồng Song Hiệp – như trong từng bài
Tiết Liêu – Rồng lại trổ tài
Làm phần biến hóa – giúp Ngài gặp Tiên
Lời khuyên của Tổ gắn liền
Trường Tồn – nền tảng nơi Tiên đây rồi
Hai phần hoàn chỉnh – truyền ngôi
Tạo ra hiệp nhất một đôi song toàn
Ðạo Làm Vua – Ðạo Làm Quan
Sống Tiên – Việc Nước hòa chan hai đàng
Sống Rồng – nền tảng Việc Làng
Nước Làng Song Hiệp – vẻ vang giống dòng

Tiết Liêu – gói ghém bên trong
Công ơn Thánh Tổ – ghi lòng cháu con
Tình người tình nước – sắt son
Thực thi nguyện vọng sống còn nước dân
Chưng Dày – biểu tượng minh phân
Thanh bình – loạn lạc, điều cần giải nguy
Giúp dân sống thực gẫm suy
Mẫu Người Lãnh Ðạo ẩn quy trong bài
Nơi đây nói đến chữ tài
Cái tài thịnh nước – cùng tài an dân.

 

Đọc tiếp:

 

 

Huấn Ca An Tiêm

 

 

 

 

 

 

 

 

 

BAN NGHIÊN HUẤN

 

 

|Trang Nhà| |Cánh Kinh Thương| |Cánh Thanh Niên| |Cánh Xã Hội| |Cánh Chính Trị| |Ý Kiến|

 

© 2019 Dang Tien Rong (DTR) Vietnamese Political Party. All Rights Reserved

© Educational Tien Rong Theory Research - Competencies for Analysis and Application