Kính chào quý vị và các bạn đến thăm trang nhà www.dangtienrong.org

 

 

   

 

 

Chào Mừng Đại Hội Hoa Tiên Rồng

 

 Hiến Chương Tiên Rồng

 

Chương I - Danh Xưng

 

Ðiều 1 Danh xưng Tổ Chức là Ðảng Tiên Rồng với sứ mệnh Giúp Dân Cứu Nước, được dùng ở các dung độ trong Cấu Trúc Tổ Chức Hoa Tiên Rồng với 4 bốn Cánh Kinh Thương, Cánh Thanh Niên, Cánh Xã Hội và Cánh Chính Trị cho hôm nay và tương lai mai sau.

 

Chương II - Nguyên Nhân Thành Lập

 

Ðiều 2 Những nguyên nhân thúc đẩy thành lập Ðảng Tiên Rồng

2.01    Để có một đời sống  xứng đáng con người và làm người, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc và văn minh nhân loại

2.02    Sinh hoạt chính trị tự do dân chủ của Chánh Thuyết Tiên Rồng, là động lực thúc đẩy các lãnh vực xây dựng quốc gia phát triển

2.03    Xây dựng một quốc gia phú cường để được hãnh diện về dòng giống Tiên Rồng

2.04    Chống lại các thể chế độc tài độc đảng, áp bức bất công đã làm nghèo đói cho dân tộc, và làm chậm tiến cho đất nước

 

Chương III - Mục Tiêu

 

Ðiều 3 Mục tiêu của Ðảng Tiên Rồng là xây dựng một Quốc Gia Việt Nam, trong đó

3.01   Phẩm gía con người, không phân biệt phái tính, sắc dân, tôn giáo, nghề nghiệp và địa vị xã hội được tôn trọng

3.02    Công dân được tự do lựa chọn cách sống và bình đẳng trước pháp luật

3.03    Tự do ngôn luận, tôn giáo, hội họp, kết hợp và đi lại được tôn trọng

3.04    Quyền tư hữu được tôn trọng

(a)       Người trong các ngành công, nông, ngư, lâm nghiệp được tư hữu phương tiện và công cụ sản xuất

(b)      Những kỹ nghệ quan trọng được tổ chức dưới hình thức công tư hợp doanh, trong đó quốc gia chiếm đa số

3.05    Nhân quyền và Dân quyền của công dân nước Việt Nam tự do dân chủ được bảo đảm qua việc

(a)       Quyền hành của quốc gia được phân thành bốn ngành: lập pháp, hành pháp, tư pháp và giám sát

(b)       Thành phần nội các được tuyển chọn trong số thành viên quốc hội

(c)       Có hai đảng hoặc hai liên minh chính trị đủ mạnh, một cầm quyền và một đối lập công khai

(d     Hiến pháp và cơ cấu chính trị được sửa đổi theo nguyện vọng của toàn dân

(e)       Bảo vệ người dân, chống lại sự kiện người bóc lột người dưới mọi hình thức

3.06     Công dân và các đoàn thể được hãnh diện về quốc gia, thành qủa được công nhận, tưởng thưởng hoặc đền bù

3.07     Những truyền thống hào hùng bất khuất, và lòng yêu chuộng hòa bình của dân tộc và nhân loại được phát huy

3.08      Quân lực là lực lượng cần thiết, bảo đảm chủ quyền quốc gia, hòa bình và an ninh cho Việt Nam, khu vực Ðông Nam Á và thế giới, và mọi công dân Việt Nam có bôn phận phục vụ quốc gia

3.09      Văn hóa các sắc tộc được bảo vệ và phát huy

3.10      Đầu tư ngoại quốc được khuyến khích, quyền lợi của Việt Nam và công ty đầu tư được bảo đảm

3.11      Mọi ngành, nghề được khuyến khích, lương bổng không qúa chênh lệch

3.12      Chủ nhân và công nhân là những cộng tác viên cùng có quyền lợi và nhiệm vụ

3.13      Người cao niên, bệnh hoạn, tàn tật, góa bụa, thất nghiệp và trẻ em được trợ cấp khi quốc gia có khả năng

3.14      Mỗi gia đình có thể sở hữu đơn vị gia cư tiện nghi

3.15      Tiện nghi và dịch vụ công cộng được phát triển một cách đồng đều trên toàn quốc

3.16      Nền giáo dục được phổ quát cho mọi lứa tuổi, bao gồm cả trí dục, đức dục và thể dục

3.17      Mọi công dân được hưởng dịch vụ y tế thích đáng

 

Chương IV - Quyền Hạn

 

Ðiều 4   Tổ Chức có những quyền hạn

4.01      Thành lập và sinh hoạt trên toàn lãnh thổ Việt Nam và những quốc gia đang có người Việt cư ngụ

4.02       Hệ thống và cơ cấu tổ chức trong Hiến Chương này, thuộc thời kỳ sinh hoạt trong thể chế chính trị còn độc tài

4.03       Hành động và giải quyết mọi việc bất ngờ xảy đến để bảo vệ mục tiêu và quyền lợi của Tổ Chức

4.04       Thích nghi các sinh hoạt của Tổ Chức, nêu tại khoản 4.05 dưới đây, với hoàn cảnh thực tại để tránh sự đàn áp của nhà cầm quyền độc tài

4.05        Công khai hóa sinh hoạt của Tổ Chức, khi quốc gia có tự do chính trị

(a)          Pháp nhân hóa Tổ Chức

(b)          Mua sắm, thuê mướn, trao đổi hay tạo dựng động sản, bất động sản xét thấy cần thiết hay tiện dụng cho các mục tiêu của Tổ Chức

(c)          Bảo vệ tài sản, quản trị và điều hành các cơ sở của Tổ Chức

(d)          Tiếp xúc cá nhân, kêu gọi bằng phương tiện truyền thông, triệu tập dân chúng hay phương cách thuận lợi khác, với mục tiêu quyên góp, gây qũy cho Tổ Chức

(e)          Đầu tư tiền và tài sản của Tổ Chức

(f)          Cộng tác, hỗ trợ hay thỏa hiệp với đảng chính trị không độc tài, hiệp hội, đoàn thể có tư cách pháp nhân

(g)          Sản xuất, in ấn và phát hành, bán, biếu hay phương cách khác, những sách báo, tin thư, tài liệu văn hóa hỗ trợ cho việc phổ biến mục tiêu của Tổ Chức

(h)          Nhận tặng giữ, niên liễm, tiền mua dài hạn và tiền trợ cấp hay bất cứ hình thức tài chánh hay tài sản khác

(i)           Mượn tiền có hay không bảo chứng với mục đích thi hành hay thực hiện mục tiêu hay quyền hạn của Tổ Chức

(j)           Làm tăng gía trị, điều hành, phát triển, bán, trao đổi, thuê, cầm cố hay những cách khác, để khuyếch trương, hoán chuyển tiền bạc hay tài sản của Tổ Chức

(k)          Chỉ định người hoặc nhiều người quản trị tài sản hay tổ hợp quản trị tài sản, quản trị tất cả tài sản nhân danh Tổ Chức

(l)           Tổ chức và hoạt động với những mục tiêu nêu trên và không nhằm mục tiêu thương mại hay kiếm lợi tiền bạc cho thành viên

(m)         Lợi tức và tài sản của Tổ Chức xử dụng để khuyếch trương mục tiêu của Tổ Chức được ấn định trong Hiến Chương này và không một khoản nào được chuyển trực tiếp hay gían tiếp để làm lợi cho thành viên Tổ Chức

(n)          Trường hợp giải tán Tổ Chức thì sau khi thanh toán các khoản nợ, số tiền còn lại và các bất động sản không được trả hay phân chia cho các thành viên của Tổ Chức mà được chuyển cho hiệp hội hay đoàn thể có cùng mục tiêu hay gần giống mục tiêu của Tổ Chức

 

Chương V - Hệ Thống và Cơ Cấu Tổ Chức

 

Ðiều 5     Hệ thống tổ chức hàng ngang như sau

5.01         Trung Ương, Vùng, Tỉnh, Quận

5.02         Lãnh thổ Việt Nam được chia thành tám vùng để phù hợp với hoàn cảnh xã hội, kinh tế, văn hóa 

5.03         Các cơ sở của Tổ Chức ở hải ngoại họp thành Vùng Hải Ngoại

Ðiều 6     Cơ cấu tổ chức gồm có

6.01         Hội Ðồng Ðiều Hành, Ban Cố Vấn và các Ủy Ban Chính Sách, Tài Chánh, Cán Bộ, Liên Lạc Hải Ngoại, Lễ Tết Dân Tộc, và những Ủy Ban hoặc Tiểu Ủy Ban khác nếu xét thấy cần

6.02         Hội Ðồng Trung Ương, Hội Ðồng Ðiều Hành và các Ủy Ban Chính Sách, Tài Chánh, Cán Bộ, Liên Lạc Hải Ngoại, Lễ Tết Dân Tộc sinh hoạt nội bộ và thành Khối Nội Bộ

6.03         Các Ủy Ban sinh hoạt đại chúng và thành Khối Ðại Biểu Ðoàn Thể hay Dân Cử

6.04         Cơ cấu tổ chức Vùng trong nước gần giống như Trung Ương, cơ cấu Hải Ngoại thì căn cứ vào thực tại

6.05         Ðơn vị nền tảng của Tổ Chức là Khu Vực gồm bốn thành viên, trong đó có ít nhất là hai cán bộ chính trị

 

Chương VI - Thành Viên

 

Ðiều 7     Mọi công dân Việt Nam và mọi người Việt Nam cư trú tại hải ngoại đều có quyền xin gia nhập Tổ Chức

Ðiều 8     Hiến Chương Vùng ấn định điều kiện, thể thức chấp nhận, sa thải, niên liễm, quyền lợi và nhiệm vụ của thành viên

Ðiều 9     Bất cứ ai đã xin ra, bị trục xuất hoặc bị tạm ngưng tư cách thành viên ở Ðơn Vị nền tảng thì không có tư cách làm thành viên và tham dự phiên họp các cấp khác

 

Chương VII - Hội Đồng Trung Ương

 

Ðiều 10  Hội Ðồng Trung Ương gồm

(a)          Trưởng nhiệm và trưởng hiệp Vùng

(b)          Trưởng nhiệm và trưởng hiệp Khối Ðại Biểu Ðoàn Thể Vùng

(c)          Trưởng nhiệm và trưởng hiệp Tỉnh

(d)          Bốn đại biểu của mỗi tỉnh, đa số không phải là Ðại Biểu Ðoàn Thể hay Dân Cử

Ðiều 11  Hội Ðồng Trung Ương do các thành viên Ðại Hội Trung Ương (điều 10 trên) bầu vào các chức vụ dưới đây và trở thành Hội Ðồng Trung Ương

(a)        Trưởng nhiệm và trưởng hiệp không thuộc thành phần Ðại Biểu Ðoàn Thể hay dân cử

(b)        Trưởng nhiệm và trưởng hiệp, một nam và một nữ

(c)        Thủ qũy, Kế toán

(d)        Các trưởng nhiệm và trưởng hiệp Ủy Ban Cán Bộ, Liên Lạc Hải Ngoại, Lễ Tết Dân Tộc

11.01    Thủ Qũy phải là thành viên của Tổ Chức, nhưng không cần phải là thành viên của Hội Ðồng Trung Ương

11.02    Trưởng nhiệm và trưởng hiệp có thể được bầu kín

Ðiều 12 Hội Ðồng Trung Ương là cơ quan tối cao, điều hành và kiểm soát tổ chức cộng thêm những quyền hạn và nhiệm vụ

(a)       Hành xử tất cả quyền hạn của Tổ Chức được kể ở trên

(b)      Ủy quyền một phần hay tất cả cho Hội Ðồng Ðiều Hành và các Ủy Ban nếu xét thấy cần, với những hạn chế dành lại cho Hội Ðồng Trung Ương

Ðiều 13 Hội Ðồng Trung Ương không bị hạn chế quyền hạn một cách tổng quát, có nhiệm vụ

(a)     Thi hành tất cả quyền hạn để truyền bá Chánh Thuyết Tiên Rồng trên nước Việt Nam

(b)     Phát biểu những quan điểm của Tổ Chức về những vấn đề chính trị đang diễn tiến

(c)     Làm gia tăng tài sản, quản trị và đầu tư để trang trải các chi phí của Hội Ðồng Ðiều Hành và Văn Phòng Trung Ương

(d)     Duy trì Văn Phòng Trung Ương

(e)     Điều hợp sinh hoạt các Vùng có liên quan đến Trung Ương

(f)     Thỉnh thoảng đề nghị tu chỉnh cương lĩnh Ðảng

Ðiều 14 Trưởng nhiệm và trưởng hiệp của nhiệm kỳ vừa qua là thành viên đặc tuyển của Hội Ðồng Trung Ương, Hội Ðồng Ðiều Hành và tất cả Ủy Ban Trung Ương

Ðiều 15 Trường hợp trưởng nhiệm vắng mặt, thì trưởng hiệp chủ tọa. Trường hợp trưởng nhiệm và trưởng hiệp không hiện diện thì thành viên cao tuổi chủ tọa phiên họp, nếu không thì Hội Ðồng chọn một trong những người hiện diện có uy tín hơn làm chủ tọa phiên họp

Ðiều 16 Trường hợp Hội Ðồng Trung Ương vắng mặt tạm thời, thì được điền khuyết bởi thành viên Vùng có nhiệm vụ cao nhất, cùng lãnh vực hoạt động

Ðiều 17 Trường hợp vắng mặt đặc biệt, các trưởng nhiệm, trưởng hiệp, thủ qũy, kế toán được điền khuyết bởi thành viên Hội Ðồng Ðiều Hành, vấn đề này sẽ được xác nhận vào phiên họp kế tiếp của Hội Ðồng Trung Ương

Ðiều 18 Các trưởng nhiệm, trưởng hiệp, thủ qũy, kế và những thành viên của Hội Ðồng Trung Ương được bầu tại đại hội giữ điều hành cho đến khi có người kế nhiệm được bầu

Ðiều 19 Hội Ðồng Trung Ương bổ nhiệm các Ủy Ban, nếu xét thấy cần, ấn định số người và xác định phạm vi quyền hạn. Các ủy ban này thuộc quyền Hội Ðồng và phải báo cáo mỗi khi họp

Ðiều 20 Trưởng Nhiệm (chủ tịch đảng) và Trưởng Hiệp (lãnh tụ Khối Ðại Biểu Ðoàn Thể hay khối Dân Cử) là thành viên điều hành của các Ủy Ban Trung Ương

Ðiều 21 Hội Ðồng Trung Ương phải họp ít nhất hai năm một lần

Ðiều 22Ngoại trừ trường hợp khẩn cấp Hội Ðồng Ðiều Hành phải thông báo trước, ít nhất là 28 ngày đến các thành viên địa điểm, ngày giờ họp và ít nhất là 14 ngày, cho những vụ họp về thương mại, kinh doanh

 

Chương VIII - Hội Đồng Điều Hành

 

Ðiều 23 Hội Ðồng Ðiều Hành gồm có

(a)        Trưởng nhiệm, trưởng hiệp Hội Ðồng Trung Ương

(b)        Các phó trưởng nhiệm, trưởng hiệp Hội Ðồng Trung Ương

(c)       Trưởng nhiệm, trưởng hiệp Khối Ðại Biểu Ðoàn Thể Trung Ương

(d)       Thủ qũy, kế toán Trung Ương

(e)       Các trưởng nhiệm, trưởng hiệp Ủy Ban Cán Bộ, Liên Lạc Hải Ngoại, Lễ Tết Dân Tộc

(f)       Trưởng nhiệm, trưởng hiệp Trung Ương nhiệm kỳ vừa qua

(g)       Trưởng nhiệm, trưởng hiệp các Vùng hay đại diện

Ðiều 24 Hiến chương này ấn định, Hội Ðồng Trung Ương ủy quyền điều hành công việc của Tổ Chức cho Hội Ðồng Ðiều Hành và kiểm soát Hội Ðồng Ðiều Hành, với quyền hạn và nhiệm vụ như sau

(a)       Hành xử quyền hạn và điều hành công tác của Hội Ðồng Trung Ương giữa những thời gian không có phiên họp của Hội Ðồng Trung Ương

(b)       Hành xử những việc cần thiết và hữu ích để hữu hiệu hóa công tác quản trị của Hội Ðồng

(c)       Bổ nhiệm các nhân viên của Văn Phòng Trung Ương và ấn định tiền thù lao, thời hạn làm việc

(d)      Báo cáo Hội Ðồng Trung Ương những công tác đã làm, kể từ phiên họp trước

Ðiều 25   Hội Ðồng Ðiều Hành có thể ủy một số quyền hạn của mình cho các tiểu ủy ban gồm có thành viên của Hội Ðồng Ðiều Hành hay của Tổ Chức

Mỗi tiểu ủy ban hành xử các quyền được ủy đúng theo nội quy, và được xem xét lại bởi Hội Ðồng Ðiều Hành theo hạn kỳ ấn định. Hội Ðồng Ðiều Hành có thể rút lại sự ủy quyền của các tiểu ủy ban, và là quyết định cuối cùng

Ðiều 26   Hội Ðồng Ðiều Hành gia hạn, điều hợp và giải quyết các thương vụ

Ðiều 27   Tại các phiên họp Hội Ðồng Ðiều hành, chủ tịch Hội Ðồng Trung Ương, hay đại diện, chủ tọa phiên họp

Ðiều 28   Các thành viên trong Hội Ðồng Ðiều Hành vắng mặt tạm thời được thay thế bởi thành viên Hội Ðồng Ðiều Hành Vùng liên hệ và người này là thành viên Hội Ðồng Trung Ương

 

Chương IX - Văn Phòng Trung Ương

 

Ðiều 29 Hội Ðồng Ðiều Hành ấn định cơ cấu và địa điểm của Văn Phòng Trung Ương.

Ðiều 30 Văn Phòng Trung Ương gồm một Giám Ðốc và nhiều nhân viên do Hội Ðồng Ðiều Hành bổ nhiệm

Ðiều 31 Quyền hạn và hoạt động của Văn Phòng Trung Ương

(a)        Điều hợp các hoạt động của Vùng dựa trên căn bản Trung Ương

(b)       Ghi chép và thực hiện các quyết định của Hội Ðồng Trung Ương và Hội Ðồng Ðiều Hành, báo cáo diễn tiến công việc và các quyết nghị của Hội Ðồng Trung Ương đến các Vùng

(c)       Cung cấp phương tiện để khảo cứu và học hỏi về kinh tế, chính trị và văn hóa

(d)      Tạo liên lạc hiệu qủa giữa Tổ Chức với đại chúng bằng tất cả phương tiện có được

(e)       Duy trì liên lạc thường xuyên với Vùng và văn phòng Vùng

(f)       Tổng quát giải quyết các vấn đề mà Hội Ðồng Trung Ương và Hội Ðồng Ðiều Hành giao phó

 

Chương X - Quảng Bá

 

Ðiều 32   Ủy Ban Quảng Bá phụ trách quảng bá các mục tiêu của Tổ Chức do Văn Phòng Trung Ương điều khiển, dưới sự kiểm soát tổng quát của Hội Ðồng Trung Ương và phối hợp công tác với các ủy ban quảng bá Vùng

 

Chương XI - Cố Vấn

 

Ðiều 33   Ban cố vấn gồm các cựu trưởng nhiệm, phó trưởng nhiệm Tổ Chức, trưởng hiệp và phó trưởng hiệp Khối Ðại Biểu Ðoàn Thể Trung Ương. Thành viên thâm niên và cao niên làm trưởng Ban. Ban này cố vấn Hội Ðồng Trung Ương

 

Chương XII - Chính Sách

 

Ðiều 34 Ủy Ban Chính Sách Trung Ương gồm có

(a)        Trưởng nhiệm và phó trưởng nhiệm Hội Ðồng Trung Ương

(b)        Trưởng hiệp và phó trưởng hiệp Khối Ðại Biểu Ðoàn Thể

(c)        Một thành viên thuộc Khối Ðại Biểu Ðoàn Thể của mỗi Vùng

(d)       Một thành viên do Hội Ðồng Trung Ương chọn không thuộc Khối Ðại Biểu Ðoàn Thể của mỗi Vùng

Ðiều 35 Trưởng hiệp Khối Ðại Biểu Ðoàn Thể chủ tọa các phiên họp của Ủy Ban

Ðiều 36 Ðịa điểm và thời gian họp do vị chủ tọa ấn định. Ủy Ban sẽ họp khi có chữ ký yêu cầu của qúa bán thành viên của ủy ban. Ủy Ban họp ít nhất là ba tháng một lần

Ðiều 37 Hoạt động của Ủy Ban gồm có

(a)         Duyệt xét Cương Lĩnh;

(b)        Xét lại các chính sách mà chủ tọa đề nghị

Ðiều 38 Các đề nghị sửa chữa Cương Lĩnh Trung Ương bằng cách thêm, bớt, tu chỉnh từ Vùng hay bất cứ nghị quyết nào ảnh hưởng đến việc thực hiện cương lĩnh phát sinh từ Vùng, phải được Hội Ðồng Vùng liên hệ thông qua và chuyển đến văn phòng Trung Ương để đệ trình Ủy Ban

Ủy Ban phải

(a)   Trường hợp sửa chữa cương lĩnh, báo cáo đến Hội Ðồng Trung Ương, Hội Ðồng có thể thông qua, bác bỏ hoặc hoàn trả Hội Ðồng Vùng kèm theo nhận xét

(b)   Trường hợp vấn đề ảnh hưởng đến việc thực thi cương lĩnh, thì khuyến cáo Khối Ðại Biểu Ðoàn Thể

Ðiều 39 Trưởng nhiệm, trưởng hiệp Khối Ðại Biểu Ðoàn Thể và Ủy Ban Chính Sách thương nghị nội dung các chính sách của Vùng với chính sách chung của Trung Ương.

Ðiều 40 Mọi đề nghị sửa chữa cương lĩnh Trung Ương bằng cách thêm, bớt, tu chỉnh từ Khối Ðại Biểu Ðoàn Thể đều được chuyển đến văn phòng Trung Ương để đệ trình Ủy Ban, như dự liệu ở điều 38 (a) nói trên

Ðiều 41 Bất cứ đề nghị, quyết nghị hay vấn đề khác như dự liệu các điều khoản trên, phải đẹ trình Hội Ðồng Vùng hay Hội Ðồng Trung Ương. Trong tình trạng khẩn cấp thì có thể đệ trình Hội Ðồng Ðiều Hành Vùng hay Hội Ðồng Ðiều Hành Trung Ương để quyết định. Tình trạng khẩn cấp do trưởng nhiệm Hội Ðồng Vùng hay trưởng hiệp Hội Ðồng Trung Ương tuyên bố

Ðiều 42 Hội Ðồng Trung Ương thỉnh thoảng đề nghị tu chỉnh Hiến Chương, cương lĩnh hay duyệt xét việc áp dụng cương lĩnh hiện hành

 

Chương XIII - Tài Chánh

 

Ðiều 43 Hội Ðồng Trung Ương, mỗi hai năm bổ nhiệm ủy ban tài chánh gồm có, Thủ Qũy Trung Ương làm trưởng, các trưởng nhiệm Vùng và một đại diện của ủy ban tài chánh Vùng. Nếu một thành viên của ủy ban tài chánh Vùng ngưng nhiệm vụ thì đương nhiên cũng ngưng nhiệm vụ cấp Trung Ương. Vùng liên hệ bổ nhiệm thành viên khác để điền khuyết

Ðiều 44 Hội Ðồng Ðiều Hành bổ nhiệm “Thụ Ủy Tài Sản,” thành viên này giữ nhiệm vụ cho đến khi Hội Ðồng Ðiều Hành ra lệnh đình chỉ

Ðiều 45 Vùng gây ngân qũy và kiểm soát việc thu chi để thực thi quyền hạn và nhiệm vụ của Vùng

Ðiều 46  Hoạt động của Ủy Ban Tài Chánh Trung Ương

(a)   Cung cấp tài chánh cho Hội Ðồng Trung Ương, Hội Ðồng Ðiều Hành  và văn phòng Trung Ương do Hội Ðồng Trung Ương ủy quyền

(b)   Nhận từ mỗi Vùng, bản ngân sách và báo cáo tài chánh mỗi đầu khóa và mỗi khi cần

Ðiều 47 Thủ Qũy Trung Ương chủ tọa các phiên họp của Ủy Ban Tài Chánh Trung Ương

Ðiều 48  Hội Ðồng Ðiều Hành bổ nhiệm kiểm soát viên tài chánh hằng năm

Ðiều 49  Ngoại trừ ấn định khác, tài khóa của Tổ Chức bắt đầu ngày 1 tháng 7 mỗi năm

 

Chương XIV - Lễ Tết Dân Tộc

 

Ðiều 50   Nhiệm vụ của Ủy Ban Lễ Tết Dân Tộc

(a)   Nghiên cứu, soạn thảo các Lễ Tết, nghi thức Dân Tộc trong cuộc sống như Hỏi, Cưới, Tang, Giỗ, Sinh Nhật…

(b)   Phụ trách các Lễ tết Dân Tộc trong tổ chức

(c)   Phổ biến các Lễ Tết Dân Tộc đến các Vùng

 

Chương XV - Cán Bộ

 

Ðiều 51 Nhiệm vụ của Ủy Ban Cán Bộ

(a)   Nghiên cứu, soạn thảo, và phổ biến tài liệu đào tạo cán bộ

(b)   Phối hợp với Ủy Ban Cán Bộ Vùng để mở các khóa đào tạo cán bộ các cấp

 

Chương XVI - Khối Đại Biểu Đoàn Thể

 

Ðiều 52 Khối Ðại Biểu Ðoàn Thể của Tổ Chức gồm tất cả thành viên của Tổ Chức đang đảm nhận chức vụ trong Ban Chấp Hành các Hội Ðoàn Ðại Chúng

Ðiều 53  Khối Ðại Biểu Ðoàn Thể

(a)   Bầu Trưởng nhiệm, trưởng hiệp và đương nhiên trở thành Khối Ðại Biểu Ðoàn Thể của Tổ Chức

(b)   Chịu trách nhiệm về công việc và nhiệm vụ của thành viên ở các Hội Ðoàn

Ðiều 54  Nhiệm vụ của Khối Ðại Biểu Ðoàn Thể là phối hợp chặt chẽ các vấn đề chính trị giữa Tổ Chức và các Hội Ðoàn. Có những phiên họp thường xuyên giữa lãnh tụ và phó Khối Ðại Biểu Ðoàn Thể với chủ tịch và các phó chủ tịch Hội Ðồng Trung Ương

Ðiều 55 Trưởng nhiệm, trưởng hiệp Ðại Biểu Ðoàn Thể báo cáo Hội Ðồng Ðiều Hành việc thi hành chính sách Tổ Chức

 

Chương XVII - Các Điểm Chung

 

Ðiều 56 Thành viên nào không thể dự họp hoặc chức vụ còn khuyết, thì trưởng nhiệm liên hệ viết tay văn thư gởi đến trưởng nhiệm có trách nhiệm, ủy quyền một thành viên khác của Hội Ðồng tương xứng làm đại diện và có quyền biểu quyết

Ðiều 57 Nhiệm kỳ các cấp bộ trong Tổ Chức là hai năm. Khi hết nhiệm kỳ thì mọi chức vụ của Tổ Chức đều hết hiệu lực và không một ai được quyền xử dụng danh hiệu hoặc nhân danh chức vụ của nhiệm kỳ

Ðiều 58 Mãn nhiệm kỳ mà chức quyền liên hệ không triệu tập đại hội đúng thời hạn, thì chức quyền kế tiếp, có trách nhiệm triệu tập và tổ chức đại hội

Ðiều 59 Một người có thể giữ nhiệm vụ trưởng của một cấp bộ, tối đa là tám năm tròn

Ðiều 60 Túc số của mỗi phiên họp là năm mươi mốt phần trăm nhân số của Hội Ðồng hay của Ủy Ban liên hệ, ngoại trừ tu chỉnh Hiến Chương

Ðiều 61 Túc số để thắng trong các cuộc bầu cử, ít nhất là sáu mươi phần trăm nhân số của Hội Ðồng hay của Ủy Ban liên hệ, ngoại trừ tu chỉnh Hiến Chương

Ðiều 62  Ðại Hội bầu cử được tổ chức ít nhất là một tháng trước Ðại Hội cấp kế tiếp, bắt đầu từ đơn vị nền tảng

Ðiều 63  Ðiều kiện để giữ các chức vụ trong Tổ Chức, thành viên phải

(a)   Là thành viên hoạt động của Tổ Chức

(b)   Có tinh thần Đồng Bào, am tường Chánh Thuyết Tiên Rồng

(c)   Có khả năng học hỏi và thăng tiến

(d)   Có cuộc sống đạo đức cá nhân và gia đình ổn định

(e)   Có chứng chỉ khóa cán bộ Tiên Rồng cấp liên hệ

(f)    Có trình độ và khả năng tương xứng

 

Chương XVIII - Chọn Ứng Cử Viên

 

Ðiều 64  Hiến Chương Vùng ấn định việc chọn ứng cử viên tranh cử các chức vụ của Hội Ðoàn Ðại Chúng trong phạm vi Vùng

Ðiều 65 Ðể tiện thi hành, ứng cử viên phải được chọn trước sáu tháng cho kỳ bầu cử sắp tới

Ðiều 66  Chọn ứng cử viên cho Hội Ðoàn không thuộc Vùng thì sẽ do Hội Ðồng Trung Ương, trường hợp khẩn cấp thì do Hội Ðồng Ðiều Hành

 

Chương XIX - Tu Chỉnh

 

Ðiều 67  Hiến Chương này có thể thêm, bớt hoặc tu chỉnh bởi ba phần tư tổng số thành viên Ðại Hội Trung Ương. Ðể trở thành hiệu lực thì tu chỉnh phải được phê chuẩn ít nhất là do năm mươi, phần trăm, Hội Ðồng Ðiều Hành Vùng trong vòng ba tháng kể từ ngày Ðại Hội Trung Ương thông qua.

 

 

 

 

 

 

 

 

BAN NGHIÊN HUẤN

 

 

Số Truy Cập

 website hits counter

 

 

|Trang Nhà| |Cánh Kinh Thương| |Cánh Thanh Niên| |Cánh Xã Hội| |Cánh Chính Trị| |Ý Kiến|

 

© 2019 Dang Tien Rong (DTR) Vietnamese Political Party. All Rights Reserved

© Educational Tien Rong Theory Research - Competencies for Analysis and Application